01/11/2013

Trưa Nhị Xuân

Con đường từ cầu Kinh vào nhà không đầy trăm thước, vậy mà không biết bao nhiêu lo lắng đến với cô Út – Lẽ ra họ xuống đây từ vài bữa trước, hôm sinh nhật anh – nhưng công việc ở sở làm họ phải hoãn lại. mọi người đang mong họ, hay nói đúng hơn, mong biết mặt con nhỏ tóc dài mà anh thường nhắc đến. Hình như cô cũng nóng biết đến cái “thế giới riêng” này của anh.

Thằng Bo nhận ra họ trước tiên rồi chạy vào gọi mẹ – Chủ nhà là hai vợ chồng thanh niên xung phong, anh người Trung, hình như quê Phan Thiết, chị quê ở Bến Tre vậy là cùng quê ngoại với Út đó !) , đứa con gái lớn khoảng 14-15 tuổi và thằng Bo khoảng 10 tuổi. Sự vui vẻ cỏi mở của chị Mười và mấy đứa nhỏ đánh ta bớt lo âu trong cô. Chỉ một ánh mắt, nụ cười la họ đã quen nhau và bắt đầu trò chuyện, có lẽ do đặc tính hiếu khách của người Nam bộ.

Anh đưa cô đi tham quan nông trường, khu nhà làm việc của ban lãnh đạo và thư viện. Họ cãi nhau tên một loài hoa tím có chuỗi hạt màu cam rất đẹp. Tên của nó là Tường Vi – ngày xưa cô có trồng hai vây như vậy trước nhà, vậy mà anh dám bảo là cây ngô đồng… Họ về nhà, Xuân và Tiến vừa lên tới bọn đàn ông ở nhà trên tán dóc còn phụ nữ thì xuống bếp làm cơm. Ăn xong ai nấy đi tìm chỗ nằm. Chị Cúc, Ti và Xuân nằm trong buồng, gọi cô nhưng cô không vào vì ngại ngủ nhà người lạ và sợ họ hỏi chuyện của cô và anh thì…. Eo ui, quê lắm ! Mọi thường anh Thông đóng đô ngoài võng nhưng có lẽ thấy hai người đi lòng vòng nên trở vào phòng khách với Tiến.

Cái chỏng tre kê ở bên hè, anh ngồi đó tựa lưng vào vách, chiếc võng được mắc chéo lên bên trên chỏng, đu đưa nhè nhẹ theo tay đẩy của anh, tóc cô xõa xuống như chiếc màn nhung lay động theo nhịp võng. Và như thế, họ kể cho nhau nghe nhiều chuyện lắm. Mọi người đã ngủ cả. Họ trầm giọng hơn, gần như thì thầm. Trời trưa tháng sáu oi bức, ánh nắng như thiêu như đốt làm mấy tàu lá dừa khó chịu cọ mình lạc rạc. Cô mơ màng, lim dim mắt, xoá những vệt nắng xuyên qua vách lá thành những đốm tròn lao xao, mờ ảo. Thỉnh thoảng một cơn gió thoảng qua, mang theo mùi hăng hăng của dòng kinh khét nắng, tiếng một chiếc xuồng máy lướt vội trên kinh An Hạ thả vào không gian thinh lặng một cái gì đó rất quê…

(Cho một ngày tháng sáu, 198…)

Kinh An Hạ

1 commentaire:

  1. Dấu yêu của ngày xưa thân ái... Giờ tưởng chừng còn đó là mong manh đóa phù du một kiếp người...

    RépondreSupprimer