01/11/2013

Con chữ


Hai ngón tay cái móc vào miệng túi quần, nó nghênh ngang đi tìm lớp. Theo sau một vài người đang lẩm bẩm dò hỏi, nó và đứa đệ tử cùng bước vào một căn phòng khoảng 25m2, hai mặt tường dát kiếng, bàn ghế thì như ở quán cóc cà phê. Nó nhăn mặt:  “ Trời đất, sao nhìn không thấy phảng phất một chút nghệ thuật gì ráo trọi vậy ? đám học viên nhìn lôm côm quá !”
Ngó ra khoảng sân trước cửa lớp, nơi có dăm ba người đang ngồi uống nước, nó quan sát người đàn ông trạc ngũ tuần, dáng người nhỏ bé, tóc hoa râm, vẻ mặt khắc khổ như một vị tu sĩ. Hình như đó là thầy giáo, mọi người đi ngang cứ cúi chào ông ta. Chà, tướng này không biết có đáng làm thầy mình không đây ? Nhi`n hơi… quê quê…  Vẫn cái thói ngang tàng thời trung học, nó kéo một cái ghế ở giữa hàng cuối cùng ngồi xoạt chân một cách rất ngổ ngáo. Cô cháu đi theo bên cạnh thì thầm: “ Cô ơi, để con đi đăng ký dùm cô nghen ?” – “Thôi, khoan đã, để coi ra sao, đáng học thì học”…
Thầy giáo bước vào lớp và bắt đầu giới thiệu về “Văn phòng tứ bảo” – Trời  ơi, chán quá, nói chuyện không có  sức thuyết phục gì hết, nó luôn miệng tìm cách chê bai. Thỉnh thoảng, hình như thấy mình không giống học trò, nó sửa thế ngồi ngay ngắn. Nhưng chỉ được mươi phút lại loay hoay. Được một tiếng thì nghỉ giải lao, đứa cháu ra về. Trời ơi, buồn quá, nhưng phải ráng ngồi hết giờ xem thế nào. Còn những hai giờ đồng hồ.
Phần thứ hai bắt đầu với bút, nghiêng, giấy, mực… mà nó xin được của người khác vì mới đến hôm đầu nên chưa chuẩn bị. Thật ra thì cái ông lớp trưởng tốt bụng tự mang đến đấy chứ. Cô phụ tá của thầy hướng dẫn nó vẽ những đường ngang nét dọc, nó làm theo không mấy hào hứng, thỉnh thoảng cô trở lại động viên vài câu. Trên kia giọng thầy ê a: “Phải để tâm an tịnh mới vẽ được chữ”. Nó lẩm bẩm: “Trời ơi, người ta đi vẽ chữ là để tìm tâm an tịnh chứ tâm đã an tịnh thì còn nói gì nữa?” Thằng cha ngồi bên trái nó khẽ gật gù đồng ý. Nó giả lơ. Đồ vô duyên, ai nói với hắn ? Thầy đang đi hướng dẫn từng người, vì chọn chỗ cuối lớp nên lòng kiên nhẫn của nó đang được thử thách. Thua rồi, nó rút một tờ giấy khác vẽ hình một cây trúc nhỏ, lão kế bên được dịp: “Cô vẽ đẹp lắm, viết chữ thì xấu mà vẽ thì đẹp”. À, khêu chiến rồi đấy nhé. Nó không đáp, chờ dịp trả đũa. Nó hỏi cô phụ tá: “Như vầy rồi sao nữa ?” – “Thì chị cứ viết tiếp đi, nè, ngó sang mấy người này coi họ làm ra sao thì bắt chước.” “Trời đất – nó kêu to – chữ xấu như vậy làm sao mà tui bắt chước được ?”. Hắn cười to, thế là một đều. Một giờ nữa trôi qua, thầy vẫn chưa xuống tới, nó thẫn người nhìn trang giấy ngỗn ngay đường cọ. Thằng cha đó lại gạ chuyện:
-        Cô viết tiếp đi.
-        Hết giấy.
Hắn cúi xuống rút lên một tờ giấy đặt trên bàn rồi tiếp:
-        Ngồi vẽ như vầy nó vui vui mà tạm quên mọi việc, không còn nghĩ ngợi gì.
-        Vẫn nghĩ.
-        Ủa, cô vẫn còn suy nghĩ được à ?
-        Tui nhớ con.
Ý nó muốn nói “tui có chồng con rồi đó nghe, liệu hồn”. Vậy mà hắn vẫn ngoan cố:
-        Ừ thì… ngoài chuyện nhớ con ra thì không nghĩ ngợi gì.
Đồ ngu, hắn đâu biết được lòng nó đang ngổn ngang như những con chữ trên trang giấy.
-        Hết mực rồi ! Nó kêu lên.
Hắn lại lui cui xin mực bên cạnh (chả là mượn hoa lê Phật thôi chứ chả tử tế gì !) rót vào chén. Miệng vẫn léo nhéo:
-        Vẽ bụi trúc nữa đi, cô vẽ đẹp lắm !
Nó lặng thinh tiếp tục với những nét ngang dọc, đường cọ như muốn xé toạc tờ giấy mà hắn vẫn không thôi léo nhéo. Tại sao nó phải làm theo ý người khác ? Nó chỉ quen làm theo sở thích của mình. Nó vẽ một nhánh tùng, bên trên có đôi uyên ương. Chà …, bây giờ chắc là nó đang nhớ đến ngươì ấy !
Thầy đang xuống tới. Nó đặt bức tranh xuống dưới cùng và rút bài tập lên. Thầy hướng dẫn cách pha mực và cách thể hiện các nét vẽ. Cầm mấy trang giấy nó viết, thầy nhận xét: “Trông nặng nề và dễ sợ quá, đầy vẻ chết chóc”. Nó mỉm cười, thầm nghĩ: “Mấy cái thằng bờm nãy giờ cứ ngồi khen chữ mình cứng cáp, mạnh mẽ, đẹp… chỉ có thầy mới đọc được tâm sự của nó thôi. Vậy là “đáng mặt làm thầy rồi” (vẫn cái thói ngỗ ngáo). Nó ngoan ngoãn nghe thầy hướng dẫn, khi ông đứng lên nó khẽ cúi đầu lí nhí: “Dạ cám ơn thầy”. Nó cố gắng tiếp tục đến hết trang giấy rồi ngồi thừ người ra, gã kế bên nhanh nhảu trải tờ giấy mới trước mặt nó:
-        Viết tiếp đi
Nó lắc đầu, không đáp
-        Chưa hết giờ mà ? – gã lại léo nhéo
Không phải nó không muốn viết mà nó không thể viết được nữa. Cái tẩy trong con chữ của nó đã bị thầy nhặt ra rồi, bèn chờ tan lớp để hớn hở ra về thôi. Cuối cùng cũng được toại nguyện, nó leo lên con ngựa sắt phóng như bay về nhà.



Hôm sau rồi hôm sau nữa không ai thấy nó mang giấy bút đến lớp. Họ cũng không để tâm. Cái thứ học trò chỉ đi học được một bữa thì biến mất chắc là đồ không ra gì rồi. Sau này nghe kể lại, vào một ngày cuối thu, người ta tìm thấy nó gục bên bàn viết trong phòng vì kiệt sức. Trên bàn, dưới đất chồng chéo ngỗn ngang những con chữ. Không biết bao nhiêu mảnh giấy giống nhau: một bên là chữ “yêu”, một bên là chữ “nhẫn” được viết bằng một thứ mực đen như chưa từng đen thế bao giờ. Trên bàn, một tờ giấy với chữ hận thật lớn màu đỏ nâu được dằn dưới dĩa máu đã khô. Trên tay nó còn lăm lăm một cây bút dùng để viết đại tự.

 18:30
07-12-2001

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire